>> Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ
Thầy Đỗ Việt Khoa đón bộ trưởng vào thăm nhà mình.(Tuổi trẻ) |
Xiết chặt tay người thầy giáo đã dũng cảm tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử, Bộ trưởng ân cần hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh thầy Khoa và vợ con.
Cùng đi với Bộ trưởng còn có Thứ trưởng Bành Tiến Long, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Trần Bá Giao, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tây Uông Đình Hồng và những vị lãnh đạo của ngành giáo dục.
Chị Nguyễn Thị Ngà, vợ thầy giáo Khoa đã không cầm được nước mắt khi Bộ trưởng hỏi thăm gia cảnh. Khi Bộ trưởng đến, chị cứ quanh quẩn đứng ở phía xa nhìn chứ không dám lại gần.
“Tôi không thể tin được Bộ trưởng lại đến thăm nhà dân như chúng tôi. Không hiểu sao lúc đó nước mắt tôi cứ ứa ra… Nghẹn lời, tôi cũng không trả lời rõ tên mình khi Bộ trưởng hỏi”, chị Ngà xúc động nói.
Trao đổi với Tiền Phong sau cuộc gặp, thầy giáo Khoa cho biết: Tôi vô cùng bất ngờ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một vị Bộ trưởng của ngành Giáo dục lại đích thân tới miền quê này, tới thăm nhà một người thầy chống tiêu cực như tôi.
Qua câu chuyện với ông, qua những cử chỉ, ánh mắt và những cái bắt tay xiết chặt, tôi thực sự ấn tượng về vị tân Bộ trưởng. Tôi tin rằng tới đây tình trạng tiêu cực trong thi cử sẽ chấm dứt. Bộ trưởng chắc chắn sẽ làm đến nơi đến chốn…
Thầy Khoa cũng cho biết, thầy đã gửi tận tay Bộ trưởng 3 lá thư gồm kiến nghị 10 điểm của cá nhân lên bộ trưởng; kiến nghị về cách xử lý kỷ luật chưa đúng mức của Sở GD & ĐT Hà Tây và một bức thư tập hợp ý kiến đóng góp của bạn đọc cả nước trên trang dovietkhoa.com (trang web do một đồng nghiệp làm tặng).
Thầy Khoa hy vọng, vị tân Bộ trưởng sẽ dành thời gian để đọc và trả lời những bức thư tâm huyết đó.
Tiền Phong xin trích đăng nội dung cuộc trò chuyện đặc biệt nói trên.
Bộ trưởng: Anh dạy thêm ở nhà có xin phép chưa?
Đỗ Việt Khoa: Dạ, em phải làm đơn xin Hiệu trưởng, rồi Sở cho phép. Học sinh của em chỉ là các em ôn thi đại học, em chỉ dạy Toán. Lớp em dạy cũng có một số học sinh ở trường THPT Vân Tảo. Mỗi buổi học, các em đóng từ 3.000 đến 4.000đ. Nếu gia đình em nào nghèo quá thì không phải đóng.
Em cũng chỉ dạy các em học sinh khá chứ không dạy học sinh yếu kém. Bây giờ khả năng tự học của nhiều em quá kém…
Bộ trưởng: Tại mình chưa đạt được mục tiêu đó thôi, phải thay đổi cách dạy, đổi mới phương pháp để nâng cao khả năng tự học của các em. Chúng ta phải cung cấp đầy đủ phương tiện cho các em tự học. Hôm rồi, trường THPT Vân Tảo có gặp để trao đổi lại với anh không?
Đỗ Việt Khoa: Dạ không! Sau khi Thanh tra Sở về làm việc với trường, lúc 11h30, thầy Hiệu trưởng có gặp riêng em đề nghị : Thôi cho mình rút kinh nghiệm. Em thấy thầy đó (hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo - PV) vi phạm nhiều lắm, thầy vừa là bí thư, thầy có tuổi, trường thì toàn giáo viên trẻ nên không ai dám lên tiếng cả.
Vì thế, khi bị ép cấy điểm vào sổ với chỉ tiêu 4,8% học lực yếu, 0.2% học lực kém và 30% khá giỏi... không ai dám lên tiếng. Chỉ 1 mình em lên tiếng. Lãnh đạo bảo, cả tỉnh người ta làm thế nên tớ mới ép. Và chúng em bị ép tới 4 năm rồi. Do đó, học sinh học rất kém.
Trường em, có lớp học sinh học đến lớp 11 rồi mà chả biết gì. Ví dụ như lớp 11K và lớp 11M, có lần em đố thế này “Ai làm được phép toán 1/3 + 1/4 bằng bao nhiêu tôi cho lên lớp”. Cả lớp không ai trả lời được, chỉ có 1 em trả lời là bằng 2/7. Em đó làm bằng cách cộng đơn thuần tử số với tử số, mẫu số với mẫu số.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và thầy Khoa trò chuyện tại nhà riêng |
Đỗ Việt Khoa: Hôm nay, có mặt Bộ trưởng xin được phép tâm sự, anh Hiếu một đồng nghiệp có lập tặng trang web dovietkhoa.com để lấy ý kiến bạn đọc trên cả nước góp ý cho ngành Giáo dục, càng đọc em càng thấy tình hình tiêu cực trong thi cử diễn ra trên cả nước chứ không riêng gì Hà Tây… Bộ trưởng có thể vào xem trang này. Mong rằng Bộ trưởng sẽ cùng tất cả các thầy cô và chúng em cùng nhau quyết tâm giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng: Đây là email của tôi, hãy chuyển tất cả cho tôi. Sáng nay, Hội đồng Giáo dục quốc gia đã họp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có đề xuất nhiều giải pháp trong đó có chống tiêu cực trong thi cử.
Bộ sẽ phát động một phong trào đặc biệt, đó là năm học tới là một năm học nói không với tiêu cực trong thi cử. Đây là một chủ trương lớn của ngành và sẽ công bố vào ngày 31/7 tới.
Hôm nay, tôi có gặp lãnh đạo tỉnh Hà Tây, họ đều ủng hộ chủ trương này của bộ. Tôi được biết, Hà Tây cũng sẽ có nghị quyết riêng về vấn đề giáo dục. Tôi nói vậy để thầy yên tâm.
Đỗ Việt Khoa: Dạ thưa, một Chủ tịch HĐ coi thi gọi em ra ngoài bảo đi chơi đi để học sinh còn quay cóp. Vậy Bộ trưởng có ý kiến gì?
Bộ trưởng: Tôi biết là tỉnh đang xem xét để xử lý. Qua buổi làm việc với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tôi tin là tỉnh sẽ làm nghiêm túc. Tỉnh biết rồi, chắc chắn họ sẽ làm nghiêm túc…
Đỗ Việt Khoa: Thưa Bộ trưởng, nhưng đó không chỉ là vấn đề riêng của Hà Tây, còn trên cả nước thì Bộ trưởng sẽ giải quyết thế nào? Vừa qua trên trang web dovietkhoa.com đã tập hợp ý kiến cho em, nhờ em trình với Bộ trưởng. Có quá nhiều người đang kỳ vọng vào sự thay đổi trong năm tới của Bộ?
Bộ trưởng: Về nguyên tắc tôi rất hoan nghênh, cố gắng có cái địa chỉ để cần thì mình liên hệ lại, trao đổi thêm. Hôm qua, tôi vừa làm việc Sở GD& ĐT TP Hồ Chí Minh, hôm nay là Hà Tây và sắp tới là một số tỉnh khác để nắm vững thực tiễn hơn, để cùng triển khai chống tiêu cực trong thi cử trong năm tới.
Tôi tin rằng, các thầy cô sẽ ủng hộ, khẳng định lại vị trí của người thầy, tạo niềm tin của nhân dân trong ngành Giáo dục.
Tôi xin tặng thầy cuốn sách “Bác Hồ với Giáo dục”. Tôi chỉ ghi thế này: “Thân tặng thầy Đỗ Việt Khoa. Cám ơn thầy, và chúc thầy luôn giữ vững cái nhân của người Việt Nam, cái nghĩa của phận làm cha, cái đức của nghiệp làm thầy”.
Có cái bút tặng anh, vì người thầy thì cái bút luôn gắn với mình… Tôi cũng có chút quà tặng các cháu.
Đỗ Việt Khoa: Xin cám ơn Bộ trưởng.
Phát động phong trào nói không với tiêu cực thi cử từ 2006-2007 Chiều 12/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã về làm việc với Tỉnh ủy và lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tây. Trong cuộc làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây ủng hộ Bộ GD&ĐT phát động phong trào nói không với tiêu cực trong thi cử bắt đầu từ năm học 2006 - 2007. Sau cuộc làm việc trên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ 15 hiệu trưởng các trường học từ cấp tiểu học đến cấp THPT của tỉnh Hà Tây. Ông Nhân bày tỏ hy vọng, phong trào này sẽ đem lại kết quả tốt và giúp ngành GD&ĐT khẳng định lại vị trí của người thầy, lấy lại niềm tin trong nhân dân đối với ngành. |